Lấn vạch kẻ đường nét liền màu vàng thì bị phạt thế nào?

THUYET1993
Bình luận: 1Lượt xem: 2,484

THUYET1993

Tài xế O-H
Nghe qua có phần đơn giản, thế nhưng không ít người vẫn nhầm lẫn giữa lỗi đi không đúng phần đường và lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường.

Theo Phụ lục G của Quy chuẩn 41:2016/BGTVT quy định: Vạch đơn màu vàng nét liền dùng để phân chia hai chiều xe chạy cho đường có 2 hoặc 3 làn xe, không có dải phân cách giữa; xe không được lấn làn, không được đè lên vạch. Vạch này thường sử dụng ở đoạn đường không đảm bảo tầm nhìn vượt xe, nguy cơ tai nạn giao thông đối đầu lớn.


Cũng theo Quy chuẩn 41, tại điều 55 quy định: Vạch kẻ đường khi sử dụng độc lập thì người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa của vạch kẻ đường.

Về phía luật giao thông đường bộ 2008 (LGTĐB), tại khoản 1 điều 9 và khoản 1 điều 11 chương II quy định: Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ; phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.

Đồng thời tại khoản 5 điều 10 LGTĐB quy định: Vạch kẻ đường là vạch chỉ sự phân chia làn đường, vị trí hoặc hướng đi, vị trí dừng lại.


Căn cứ những quy định trên, có thể phân định, lỗi lấn vạch kẻ đường nét liền màu vàng thuộc hành vi vi phạm tại điểm c, khoản 4, điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP (NĐ46) quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể, vi phạm điều khiển xe không đi theo bên phải chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định và mức phạt tiền từ 800.000 đến 1.200.000 đồng. Ngoài ra, người điều khiển xe vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng theo điểm b, khoản 12, điều 5 NĐ46.

Hành vi lấn vạch hoặc đè vạch không thể xử phạt lỗi “Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường”. Quy định tại điểm a , khoản 1, điều 5 của NĐ46 đã loại trừ hành vi vi phạm tại điểm c, khoản 4, điều 5 của nghị định trên.


Nguồn: otos​
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên