Bệ thử động cơ là một hệ thống thiết bị rất quan trọng đối với ngành động cơ, nhờ nó mới có thể đánh giá được các chỉ tiêu kinh tế-năng lượng, mức độ ảnh hưởng đến môi trường cũng như độ bền, độ tin cậy của động cơ đốt trong. Trong điều kiện nước ta chưa sản xuất được các thiết bị thử nghiệm động cơ cỡ lớn và trung bình thì việc sử dụng, khai thác có hiệu quả các công nghệ nhập khẩu đón đầu là vấn đề không thể không quan tâm.
Hiện nay, động cơ đốt trong kiểu pittông vẫn là một thiết bị động lực chủ yếu được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực kinh tế, giao thông vận tải (đường sắt, đường thủy, đường bộ), nông nghiệp, công nghiệp và quốc phòng. Xu hướng phát triển chính của ngành động cơ trong thời gian gần đây là nâng cao tính kinh tế nhiên liệu của động cơ, có xét đến các yếu tố đảm bảo vệ sinh môi trường, cải tiến các kết cấu của động cơ trên cơ sở sử dụng các loại vật liệu mới nhằm nâng cao tuổi thọ và độ tin cậy của động cơ, nâng cao khả năng tự động hoá trong điều khiển, kiểm tra và vận hành nói chung trên cơ sở áp dụng các thành tựu công nghiệp điện tử và tin học.
Do đặc điểm của ngành động cơ, về cơ bản thường xác định hình dáng và kích thước các chi tiết sau đó mới tiến hành tính toán sức bền và biến dạng…, vì thế phần lớn các phép tính đều mang tính kiểm nghiệm. Do vậy trong quá trình sản xuất chế tạo, khai thác, sữa chữa, nghiên cứu phát triển động cơ đốt trong rất cần có các thử nghiệm cần thiết để đánh giá các chỉ tiêu về kinh tế năng lượng, mức độ ảnh hưởng môi trường, độ bền , độ tin cậy… của động cơ đốt trong. Như vậy bệ thử động cơ được coi là một hệ thống thiết bị rất quan trọng đối với ngành động cơ.
Tại Việt Nam, hiện nay các bệ thử động cơ chỉ có ở một số học viện, nhà trường, nhà máy sữ chữa ôtô, mà hầu hết các thiết bị đã cũ và thiếu đồng bộ, độ chính xác kém. Các bệ thử này hầu như chỉ đảm bảo được yêu cầu của thử nghiệm giao nhận ( đối với động cơ mới và sau sữa chữa- chỉ xác định được các chỉ tiêu chính). Còn các thử nghiệm phức tạp hơn như thử nghiệm kết cấu hoặc cụm mới, thử nghiệm nghiệm thu quốc gia, thử nghiệm khai thác, nghiên cứu khoa học thì cần phải có thiết bị đồng bộ có độ chính xác cao và áp dụng công nghệ hiện đại.
Một trong những hạn chế chính của hệ thử mà nước ta đang có là không có khả năng phân tích và thu thập được cách trực tiếp các thông số của quá trình cháy diễn ra bên trong động cơ- đây là quá trình có tính quyết định sự hoạt động của động cơ. Việc phân tích quá trình cháy cho phép đưa ra những kết luận về mức độ hoàn thiện của kết cấu, ảnh hưởng của các thông số đầu vào, chế độ vận hành, tính chất của nhiên liệu,…đến các thông số thu được khi thử nghiệm động cơ. Mặc dù ta đều nhận thức rõ vấn đề này nhưng để thực hiện được vấn đề này đòi hỏi phải có công nghệ và thiết bị thích hợp.
Tính tự động hóa của thiết bị này lại chưa cao, không thực hiện được việc kiểm soát các hệ thống phụ trợ( hệ thống cung cấp nhiên liệu, điều chỉnh chế độ tải,…)từ phòng điều khiển. Do đó thiếu sự đồng bộ trong quá trình hoạt động của các hệ thống, làm kéo dài thời gian thử nghiệm và tiêu tốn nhiều nhân công cho mỗi lần thử, mặt khác không đánh giá được một cách khách quan tác động của các thông số liên quan đến kết quả thử nghiệm. Việc xác định số liệu thu được khi thử nghiệm chủ yếu là thủ công và không đồng bộ dẫn đến khó khăn cho việc thu thập, xử lí, lưu trữ số liệu. Đặc biệt là số liệu thu được thiếu độ chính xác cao, chỉ mang tính chất định tính.
Mặt khác thành phần khí thải là một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo yếu tố vệ sinh môi trường cũng là một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng quá trình cháy diễn ra trong các xi lanh. Không những thế, với các động cơ hiện đại, thành phần của khí thải còn đóng vai trò là tín hiệu điều khiển ngược nhằm điều chỉnh những chu trình cháy tiếp theo sao cho đảm bảo được những tiêu chuẩn bắt buột về thành phần khí thải và nâng cao tính kinh tế nhiên liệu của động cơ. Tuy vậy, những bệ thử nước ta hiện có đều không có khả năng kiểm soát thành phần khí thải.
Một nhược điểm khác nữa của bệ thử này là không kiểm soát được thông số đầu vào(nhiệt độ và áp suất khí nạp, nhiệt độ áp suất nước làm mát, nhiệt độ và áp suất dầu bôi trơn, nhiệt độ nhiên liệu,…) dẫn đến khó mô phỏng và đánh giá tác động của các thông số đầu vào đến kết quả thử nghiệm thu được.