Động cơ 101: P3.2 - Công suất (tiếp)

O
Bình luận: 0Lượt xem: 728

otoman.net

Tài xế O-H
(...tiếp theo phần trước: Động cơ 101: P3.1 - Công suất)

3. Phân tích một biểu đồ đặc tính đơn giản của động cơ

Như vậy, tới đây ta đã nắm được hai đặc tính quan trọng nhất của động cơ: momen xoắn và công suất. Ta cũng biết làm thế nào để đánh giá được chính xác nhất về hiệu năng của một động cơ và so sánh nó với một động cơ khác. Vậy khi nhìn vào một biểu đồ đặc tính với vô vàn thông tin, ta nên phân tích như thế nào? Sau đây em xin hướng dẫn một cách khá cơ bản.


Nên phân tích đặc tính động cơ như thế nào?

Bước 1. Ta bắt đầu với biểu đồ đặc tính đơn giản gồm đường momen xoắn và công suất tại vị trí bướm ga mở hoàn toàn (full load - tải toàn phần). Đánh dấu trên biểu đồ vị trí các điểm quan trọng, gồm có:

Nmin : tốc độ ổn định nhỏ nhất của động cơ
N(Tmax) : tốc độ động cơ tại vị trí momen xoắn đạt cực đại
N(Pmax) : tốc độ động cơ tại vị trí công suất đạt cực đại
Nmax : tốc độ ổn định lớn nhất của động cơ
T0 : momen xoắn tại vị trí tốc độ động cơ nhỏ nhất
Tmax : momen xoắn cực đại
T(P) : momen xoắn tại vị trí tốc công suất cực đại
T(M) : momen xoắn tại vị trí tốc độ động cơ lớn nhất
P0 : công suất tại vị trí tốc độ động cơ nhỏ nhất
Pmax : công suất cực đại
P(T) : công suất tại vị trí tốc momen xoắn cực đại
P(M) : công suất tại vị trí tốc độ động cơ lớn nhất

Bắt đầu với biểu đồ đặc tính tải toàn phần.

Bước 2. Xác định vùng thấp (low end torque zone). Vùng thấp trên biểu đồ được xác định là vùng diện tích trải từ vị trí Nmin đến N(Tmax). Trong vùng này, momen xoắn cao đồng nghĩa với việc xe khởi chạy và tăng tốc nhanh hơn. Ngoài ra, nếu động cơ đang hoạt động trong vùng này mà gặp vật cản lớn trên đường, tốc độ động cơ sẽ giảm dần, kéo momen xoắn giảm theo và xe có thể chết máy.


Xe khởi chạy nhanh hơn nếu momen xoắn cao hơn trong vùng thấp.

Bước 3. Xác định vùng đàn hồi (power band). Vùng đàn hồi trên biểu đồ được xác định là vùng diện tích trải từ vị trí N(Tmax) đến N(Pmax). Đây là vùng mà động cơ hoạt động ở trạng thái tối ưu nhất và có khả năng tiết kiệm nhiên liệu (ta sẽ tìm hiểu trong phần sau). Tại đây, khi ta đưa động cơ đến vị trí N(Pmax) và sang số, tốc độ động cơ ngay lập tức được trả về vị trí N(Tmax) (ứng với mỗi cấp số) và luôn cho ta momen xoắn cực đại. Do đó, chuyển số trong vùng này đạt hiệu quả cao nhất, và vùng đàn hồi rộng hơn thì sẽ có lợi hơn cho hoạt động chuyển số.


Chuyển số đạt hiệu quả cao trong vùng đàn hồi.

Bước 4. Xác định vùng cao (high end torque zone). Vùng cao trên biểu đồ được xác định là vùng diện tích trải từ vị trí N(Pmax) đến Nmax. Tại vùng này, ta thấy có hiện tượng giảm công suất do thất thoát momen xoắn. Do đó, một động cơ giữ được các giá trị công suất và momen xoắn cao trong vùng này sẽ có khả năng tăng tốc tốt hơn ở tốc độ cao, đồng thời cũng nhanh đạt tốc độ tối đa hơn. Trái lại, nếu đường đặc tính dốc hơn ở vùng này, động cơ bị thất thoát momen xoắn quá nhanh, dẫn đến tình trạng hoạt động không ổn định, có thể gây hư hỏng. Tuy nhiên cần chú ý rằng, một đường dốc như vậy cũng có lợi, vì khi giảm tua máy, động cơ quay về mức cực đại cũng rất nhanh.


Vùng cao cho biết khả năng tăng tốc ở tốc độ cao.

Em sẽ tiếp tục phân tích những mẫu động cơ thực tế trong các bài viết bên lề chuỗi bài “Động cơ 101”. Trong phần tới, ta sẽ tìm hiểu về đặc tính kỹ thuật quan trọng cuối cùng: suất tiêu hao nhiên liệu.

(...còn tiếp)
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên