Chơi Vespa cổ ở Đà Lạt

H
Bình luận: 0Lượt xem: 2,630

hochoi

Tài xế O-H
Mỗi khi muốn săn tìm một chiếc Vespa cổ ở thập niên 60, giới chơi xe lập tức nghĩ ngay đến vùng Đà Lạt hay Bảo Lộc. Và họ đã không thất vọng, bởi còn lại khá nhiều Vespa Acma, Standard ở đây, thậm chí có người còn mua được chiếc 150 GL - 1963. Người ta cho rằng đây là một trong những chiếc Vespa có thiết kế đẹp nhất của Piaggio.

Vespa cổ khoe sắc trên đồi thông Đà Lạt. Vài năm gần đây, mốt sưu tập và đi xe Vespa cổ phát triển thành phong trào. Mỗi fan Vespa cổ có sở thích riêng biệt và “bệnh” khác nhau. Giới chơi xe Vespa kể nhiều căn bệnh của những fan như trường hợp anh Dũng ở Đà Lạt, người mua được một chiếc Vespa cổ thập niên 1960 chỉ “trùm mềm” ở nhà để ngắm riêng một mình.
Người ta ước tính mỗi năm, anh Dũng chỉ mang xe ra đường chạy khoảng 10 lần. Mỗi lần như vậy, anh đều dòm trước ngó sau rất cẩn thận, sợ bị chôm mất những món đồ hiếm. Mà thật vậy, phụ tùng của Vespa cổ không phải dễ kiếm, nhiều khi nghe tiếng đồn có món gì đó xuất hiện trên thị trường, nhưng muốn mua phải tốn công lặn lội tìm đến tận người sở hữu và ra sức năn nỉ họ nhường lại. Đặc biệt đối với những người chơi xe theo trường phái “giữ nguyên theo bản gốc”, thì từng con ốc, công tắc điện… thiếu hụt phải được lùng mua cho bằng được, thậm chí nếu cần thiết phải nhờ đến “72 phép biến hóa Tôn Ngộ Không”. Vì vậy, đề phòng cẩn trọng như anh Dũng cũng là điều dễ hiểu.

Anh Tuấn, chủ quán cà phê Music World ở Đà Lạt tâm sự với phóng viên Cẩm Nang Tiêu Dùng: “Trước đây, đi đâu mình cũng muốn đi nhanh, làm cái gì cũng muốn làm liền tay nên chỉ thích cưỡi những chiếc môtô phân khối lớn. Nhưng khi chuyển qua Vespa, có muốn đi nhanh cũng không được, mình chợt hiểu ra rằng cuộc đời này không nên vội vàng”. Anh Miễn, chủ nhân của 10 chiếc Lambretta và chiếc Standard màu đỏ kể: “Thú chơi này tốn rất nhiều tiền, phải nghĩ cách kiếm tiền mà nuôi thú chơi này, nếu không sức mấy bà xã để yên”. Mấy người bạn của anh Miễn nói thêm: “Anh ta nghiện xe đến nỗi nhiều đêm thức khuya sửa xe rồi ngủ quên luôn ngoài nhà xe, vợ nhất định không cho mua xe cổ nữa, ảnh mới nghĩ cách tân trang cho xe thật đẹp để cho khách du lịch thuê chụp hình”. Dĩ nhiên sau khi thấy anh Miễn có thể sử dụng đống xe cổ quái dị đó vào mục đích kinh doanh, chị vợ đành nhượng bộ.
Không chỉ quyến rũ bởi hình dáng đỏng đảnh, kiêu hãnh như “vòng số ba” đầy đặn của người phụ nữ, cả “tiếng nổ” của ống bô cũng làm “rúng động” những người nghiện Vespa. Hồng Sơn, người tự nhận mình là con nghiện Vespa diễn đạt cảm nhận của mình trên forum Những người bạn Vespa như sau: “Đầu tiên hãy lắng nghe tiếng máy nổ như lời “em” đang tâm sự “phịch... phịch... phịch...”. Tiếng nổ mới êm tai làm sao! Đích thị là một em Standard được làm máy rất “tới”. Tiếng nổ của Vespa cũng như tiếng nói của một người con gái. Cho dù em có đẹp đến mấy, chân em có dài đến mấy, cốp em có to đến mấy mà giọng nói lại ồm ồm vịt đực nghẹt mũi thì… Chỉ có một cái nòng “zin”, một quả piston Ý chính hiệu cộng thêm một ống bô được o bế một cách tỉ mẩn mới làm em Standard cất tiếng ngọt như mía lùi”.
Ngày nay, tìm một chiếc Vespa cổ còn “zin” phải đỏ con mắt. Anh Cồ, một tín đồ Vespa ở đường Trần Phú cho biết: “Thật sự tôi không chơi Vespa theo kiểu giữ nguyên đồ “zin”, nếu có thì tốt mà không cũng chẳng sao. Người ta còn chưa hoàn hảo nói gì là xe”. Anh cười sảng khoái rồi tiếp: “Cái thú của tôi là thích nghĩ ra một dáng vẻ độc đáo cho Vespa cổ. Tôi không thích xe của mình đụng hàng với bất kỳ chiếc nào khác. Tôi có thể thay máy cho nó vọt hơn, chọn màu sơn theo ý thích của tôi, lắp cái đèn phía trước cong lên như con ong đang tìm mật, lắp bánh sơ-cua phía trước… để tạo dáng đặc biệt cho xe”. Qua tay anh Cồ, tính đến nay đã có gần 10 chiếc Vespa có màu sắc khác nhau, đa số đều là màu rực rỡ như cô gái tuổi xuân thì.
Hầu hết người chơi Vespa cổ đều biết những nhu cầu thiết yếu của cô nàng đỏng đảnh, ví dụ như cần pha bao nhiêu nhớt với loại xăng nào để bôi trơn, bao lâu thì phải “sờ” vào bugi, xác suất dắt bộ và các phương án đối phó khi nàng dở chứng. Thậm chí chỉ cần nghe tiếng nổ người ta cũng ước chừng được tốc độ tối đa của xe. Cực khổ là thế, nhưng chỉ những người sành điệu có hầu bao rủng rỉnh mới dám chơi Vespa cổ. Như câu tục ngữ “mật ngọt chết ruồi”, cứ nhìn những chiếc vespa 150 GS - 1955, 160 GS - 1962, 150 GL - 1963 hay Super Sprint 90 - 1966 với những đường cong tuyệt mỹ thì khó có dân chơi xe nào kềm lòng. Nhưng Vespa cổ cũng khó kháng cự lại sự tàn phá của thời gian. Nhiều bộ phận máy móc không còn nhạy như xưa nên thỉnh thoảng nó dở chứng giữa đường. Lúc đó, nếu không có tay nghề xử lý thì đành phải dắt bộ. Cuộc dạo chơi bỗng chốc chuyển thành một bài tập về sức bền thể lực và ý chí.

nguồn ngoisao.net
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên