8 bước bảo dưỡng ô tô đúng cách

Chi_Dan
Bình luận: 1Lượt xem: 3,147

Chi_Dan

Tài xế O-H
Duy trì xe trong tình trạng hoạt động tốt, sáng bóng luôn là cách hiệu quả để đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi phí và một ngày nào đó sẽ bán được với mức giá tốt hơn. Tuy nhiên, mỗi chiếc xe được cấu thành từ ít nhất 30.000 bộ phận khiến bạn không biết đầu là trọng tâm cần chú ý mỗi lần bảo dưỡng.

Hãy chú ý đến những bước dưới đây, chiếc xe của bạn sẽ được chăm sóc đúng cách:

Bước 1: Lên kế hoạch

Trước khi đem xe đến trung tâm bảo dưỡng, hãy tìm kiếm thông tin và liệt kê ra những bộ phận nào cần được kiểm tra để tránh thiếu sót. Trong đó, kiểm tra lốp, phanh, động cơ và dầu nhớt là 4 bước quan trọng nhất trong quá trình bảo dưỡng xe, đồng thời cần thực hiện định kỳ để chiếc xe của bạn vận hành ổn định.

Bước 2: Kiểm tra lốp

Lốp xe đóng vai trò rất quan trọng giúp cho chuyến đi đảm bảo an toàn và êm ái. Khi lốp không đủ căng, bị mòn hoặc gãy nứt có thể khiến xe ì ạch, tiêu hao nhiều nhiên liệu hơn và thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng.


Do đó, hãy kiểm tra lốp thường xuyên, thay lốp đúng thời gian và bơm áp suất đúng như quy định của nhà sản xuất, như vậy bạn giảm thiểu được nguy cơ xảy ra tai nạn cũng như tăng hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu hơn. Thông thường, nếu không có trường hợp hư hỏng bất thường, bạn nên thay lốp khi đã đi được khoảng 50.000km.

Bước 3: Kiểm tra dầu

Dầu nhớt được ví như “máu” trong cơ thể giúp cho chiếc xe của bạn vận hành trơn tru và không gây tiếng ồn. Để kiểm tra dầu, bạn có thể chạy xe trong vài phút cho mấy ấm rồi tắt động cơ, sau đó dùng que thăm dầu để kiểm tra mực dầu, có thể thay hoặc châm thêm nếu mực dầu thấp.


Thực tế, việc kiểm tra lượng dầu nhớt nên được thực hiện khoảng 1 tuần 1 lần, và tiến hành thay dầu lọc nhớt sau khi đi khoảng 10.000km. Ngoài ra, nếu xe thường xuyên chạy trong đường thành phố đông đúc hoặc trong môi trường nhiều bụi bẩn, bạn có thể thay dầu nhớt sau mỗi 5.000km.

Bước 4: Cửa, kính chắn gió, cần gạt nước

Hãy chắc chắn rằng tất cả các cửa sổ, gương, kín chắn gió trên xe luôn sạch sẽ và không bị hỏng. Chỉ một lỗ hổng hoặc vết nứt trên kính chắn gió cũng đủ gây nguy hiểm cho người lái và hành khác phía trước.


Chính vì thế, hãy định kỳ kiểm tra tất cả hệ thống cửa, kính để phát hiện các vết nứt và thay thế bất kỳ bộ phận nào bị hư hỏng càng sớm càng tốt. Thay thế cần gạt nước mỗi năm một lần trước mùa mưa. Khi lau chùi, có thể sử dụng các dung dịch tẩy rửa thông thường cũng có tác dụng tốt.

Bước 5: Dây an toàn, phanh, động cơ


Hệ thống phanh trên xe hơi hiện đại cần được thay thế định kỳ để duy trì hiệu quả phanh tối ưu. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ vấn đề gì với hệ thống phanh, hãy đưa xe đến trung tâm bảo dưỡng/sửa chữa để khắc phục ngay lập tức. Nếu bộ phận này bị lỗi, cả chiếc xe lẫn hành khách trong xe đều đang gặp phải nguy hiểm.


Nếu dây an toàn bị vấy bẩn, không nên sử dụng chất tẩy rửa mạnh bởi có thể làm mài mòn dây đeo. Luôn giữ dây an toàn sạch sẽ để đảm bảo độ chắc chắn và không ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ bên trong xe. Đồng thời, đây là bộ phận không thể sửa chữa nên khi nhận thấy dây bị mòn, rách hoặc hư hỏng, cách tốt nhất là thay thế.


Kiểm tra ắc quy mỗi tháng một lần để xem “trái tim” của chiếc xe có còn hoạt động tốt không và độ sạch sẽ của các cực điện. Đặc biệt, tại những vùng có thời tiết nóng ấm như Việt Nam, bạn nên xem xét lại toàn bộ hệ thống nạp điện bao gồm các cực, bộ chỉnh điện thế, dây đai và cáp nối hàng năm. Trong trường hợp phải thay ắc quy, đừng quên kiểm tra tổng thể nguồn điện để đảm bảo cả hệ thống vẫn hoạt động tốt.

Bước 6: Nội thất

Làm sạch và hút bụi nội thất khi cần thiết. Tuy không phải là một công việc quá phức tạp, nhưng quá trình chăm sóc cho không gian nội thất phụ thuộc rất nhiều vào chính chủ nhân chiếc xe. Khi thực hiện, phải tiến hành các bước theo một cách khoa học kết hợp sử dụng những dụng cụ và hóa chất chuyên dụng để không làm hư hỏng các bộ phận bên trong.


Ngoài ra, sau khi vệ sinh sạch sẽ nội thất, bạn nên tiến hành khử mùi cho không gian trong lành suốt hành trình. Bạn có thể thêm sáp thơm dành riêng cho xe hơi, vừa dễ sử dụng, giá thành phải chăng mà vẫn lưu giữ được hương thơm lâu mà không kích ứng da người trong xe.

Bước 7: Nước làm mát

Một chiếc xe không thể hoạt động ổn định và bền bỉ nếu thiếu nước làm mát. Điều này không khó lý giải bởi khi xe hoạt động thì nhiệt lượng do động cơ sinh ra rất lớn, nếu không có nước làm mát thì dưới tác động của nhiệt độ, các chi tiết kim loại bên trong động cơ sẽ giãn nở.


Hãy mở nắp khoang động cơ và kiểm tra mực nước làm mát. Thông thường, bạn nên sục két nước và bổ sung nước làm mát ít nhất 2 năm một lần. Nếu nhìn thấy có vũng nước nhỏ dưới xe khi đỗ một lúc, điều này có nghĩa là xe bị rò rỉ nước làm mát, bạn cần đưa xe đến trung tâm để kiểm tra và sửa chữa.

Bước 8: Hệ thống đèn

Cuối cùng là kiểm tra độ sáng của hệ thống đèn, bao gồm đèn pha trước, đèn hậu, đèn phanh và các loại đèn tín hiệu khác. Tất cả đều cần được thử nghiệm độ sáng, độ chiếu xa, đặc biệt là đen pha bởi nếu bị lệch có thể gây mất tập trung và nguy hại đến quá trình điều khiển.


Trường hợp cần thay bóng đèn, nên cẩn thận tháo gỡ, lắp vào và kiểm tra hoạt động của bóng đèn sau khi quá trình sửa chữa hoàn thành. Nếu thay thế bóng đèn không đúng quy trình có thể làm chập mạch hoặc hoạt động không chính xác, dẫn đến những tình huống nguy hiểm. Cẩn thận hơn, bạn nên thay bóng đèn 2 năm một lần để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến đi.

Nguồn: OtoS.vn
 

NancyTranAnh

Tài xế O-H
Động cơ ô tô hoạt động thế nào?

Động cơ là gì?
Động cơ là thiết bị chuyển hóa một dạng năng lượng nào đó như xăng hoặc dầu thành động năng. Về cơ bản, chúng ta có thể chia động cơ nhiệt ra làm 2 loại chính là động cơ đốt trong và động cơ đốt ngoài. Mỗi loại lại được chia thành nhiều loại nhỏ với những ưu nhược điểm khác nhau. Các loại động cơ đốt trong có thể kể đến như động cơ chạy xăng, động cơ chạy diesel, động cơ tuabin khí, động cơ xoay, động cơ 2 kỳ,... Động cơ đốt ngoài có thể kể đến 2 đại diện là động cơ hơi nước và động cơ Stirling.


Động cơ là thiết bị chuyển hóa một dạng năng lượng nào đó như xăng hoặc dầu thành động năng
Tuy nhiên, hiệu suất của động cơ đốt trong cao hơn động cơ đốt ngoài (tức là cùng quãng đường như nhau, động cơ đốt trong tốn ít nhiên liệu hơn động cơ đốt ngoài), thêm nữa động cơ đốt trong có kích thước nhỏ hơn nhiều so với động cơ đốt ngoài tương đương. Đó là lý do tại sao ôtô lại sử dụng động cơ đốt trong.

Nguyên lý hoạt động của động cơ đốt trong
Nguyên tắc hoạt động của nó dựa trên cơ chế khi sử dụng một lượng nhỏ nhiên liệu năng lượng cao như xăng (hoặc dầu diesel) trong một không gian khép kín nhỏ và đốt cháy, một lượng lớn năng lượng sẽ được sinh ra thông qua sức ép không khí giãn nở. Năng lượng này có thể làm một củ khoai tây bay xa 150m.


Động cơ đốt trong sử dụng nguyên lý đó với một chu trình khép kín
Động cơ đốt trong sử dụng nguyên lý đó với một chu trình khép kín, các vụ nổ xảy ra hàng trăm lần mỗi phút bên trong xi lanh động cơ. Hỗn hợp không khí và nhiên liệu (gọi là hòa khí được đốt trong cylinder của động cơ đốt trong. Khi đốt cháy nhiệt độ tăng làm cho khí đốt giãn nở tạo nên áp suất tác dụng lên một piston (pít-tông) đẩy piston này di chuyển đi.
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên