VỎ XE
Phần 1: Khái niệm chung và phân loại vỏ xePhần 2: Công nghệ vật liệu chế tạo vỏ xe, độ bền kết cấu, các giải pháp chống ồn, giảm thiệt hại do va chạm và hình dáng khí động của vỏ xe.
PHẦN 1: PHÂN LOẠI VỎ XE
Trong tổng thể kết cấu của ô tô vỏ xe đóng vai trò hết sức quan trọng, là bộ phận tạo nên hình dáng bao bên ngoài của ô tô, nó bao gồm các chi tiết dạng tấm mỏng được ghép nối với nhau bằng các mối ghép cơ khí. Các chi tiết này chủ yếu là sản phẩm của công nghệ gia công áp lực và công nghệ đúc. Kết cấu vỏ xe luôn đảm bảo cho ô tô có tính mỹ quan, khí động học, an toàn chủ động lẫn thụ động, bảo vệ được con người, hàng hóa trên xe và các phương tiện khác cùng tham gia giao thông.Hiện này công nghệ chế tạo vỏ xe ngày càng phát triển vượt bậc, đó là một trong những bộ phận có hàm lượng công nghệ thay đổi nhanh trên ô tô, nhờ áp dụng những tiến bộ của công nghệ vật liệu, các phương pháp gia công và tư duy sáng tạo của con người. Trên thực tế có thể thấy vỏ xe rất đa dạng và phong phú về chủng loại và kết cấu. Vỏ xe được phân loại như sau:
Phân loại vỏ xe theo tải trọng tác dụng lên khung và vỏ
Vỏ xe không chịu tải: Là loại vỏ xe không chịu tác dụng của các lực và mô men tác dụng từ mặt đường, các nội lực và mô men từ hệ thống truyền lực, hệ thống treo, hệ thống phanh, hệ thống lái... Vỏ xe loại không chịu tải được sử dụng nhiều ở các loại xe tải, xe kéo moóc và bán moóc, xe chở khách, hạn chế dùng cho loại xe du lịch vì vỏ xe được liên kết đàn hồi với khung xe, gây ra sự dịch chuyển giữa vỏ xe và khung xe, từ đó gây ra tải trọng động tác động xấu lên người ngồi bên trong xe.
Vỏ xe dạng bán tải: Là loại vỏ xe được nối cứng với khung xe nhưng có thể tháo rời, vỏ và khung cùng chịu các tải trọng tĩnh và tải trọng động phát sinh trong quá trình chuyển động. Tuy nhiên vỏ xe chỉ tiếp nhận một phần các lực tác dụng.
Vỏ xe chịu tải hoàn toàn: Là loại vỏ xe được nối cứng với khung xe bằng các mối ghép không tháo được, tải trọng phát sinh từ đường và các hệ thống khác tác dụng hoàn toàn lên vỏ xe. Các hệ thống truyền lực, hệ thống lái, hệ thống phanh…được gắn trực tiếp với vỏ xe hoặc qua các mối ghép trung gian. Ưu điểm của loại vỏ xe này là kết cấu gọn nhẹ, khả năng tự động hóa cao, tuy nhiên nhược điểm của nó là giá thành cao, khó thay thế sửa chữa khi hư hỏng.
Vỏ xe có sàn xe chịu tải: Sàn xe đóng vai trò là bộ phận gá đặt trực tiếp hoặc gián tiếp của hệ thống truyền lực, hệ thống phanh, hệ thống treo. Mặt khác sàn xe được gắn cứng vào khung xe làm tăng độ cứng vững cho toàn xe và tiếp nhận trực tiếp các lực tác dụng lên khung và vỏ.
Vỏ xe có khung xương chịu lực riêng biệt : Ở những bộ phận chịu tải trọng lớn phần vỏ xe sẽ được gắn cứng vào một khung xương chịu lực. Các khung xương này được chế tạo bằng các thanh định hình và sử dụng vật liệu có độ bên cao góp phần làm tăng độ cứng vứng cho vỏ xe.
Phân loại vỏ xe theo cấu trúc
Vỏ xe có cấu trúc dạng hộp: Sau khi khung xe được định hình, các chi tiết dạng tấm sẽ được hàn ghép vào bên trong và bên ngoài khung xe tạo thành kết cấu vỏ xe dạng hộp kín và rỗng vừa có tác dụng giảm tải trọng nhưng vẫn đảm bảo độ bên kết cấu.
Vỏ xe có cấu trúc dạng tấm : Vỏ xe bao gồm nhiều chi tiết tấm rời nhau, các tấm trong và ngoài được gắn với vỏ xe bằng ốc vít (có thể tháo được). Loại vỏ xe này có ưu điểm là dễ dàng thay thế các tấm hư hỏng khi có va chạm.
Phân loại vỏ xe ô tô dựa vào mục đích sử dụng, số chỗ ngồi
Dựa vào mục đích sử dụng có thể phân thành vỏ xe du lịch, vỏ xe chở khách và vỏ xe tải: Vỏ xe du lịch (có số chỗ ngồi ≤ 9 kể cả người lái) ứng với số cửa và số chỗ ngồi khác nhau sẽ tương ứng với các hình dáng và kết cấu vỏ xe khác nhau. Ví dụ xe du lịch có 2 cửa, số chỗ ngồi ≤ 2, xe du lịch có 2 cửa, số chỗ ngồi ≤ 4, xe du lịch có 4 cửa, số chỗ ngồi ≤ 5, xe mui trần, xe đa dụng…Vỏ xe chở khách (số chỗ ngồi >9, thông thường 12, 16, 24, 30, 40,52....) xe chở khách 9,12,16 chỗ thường có 3 cửa, xe khách >24 chỗ có thêm một cửa bên phụ, xe bus bố trí hai cửa... Vỏ xe tải: có ca bin riêng biệt với thùng chứa hàng hóa, vỏ xe chở xăng, vỏ xe tự đổ, vỏ xe kéo…
:
...Xem thêm