Loại trừ bọt khí trong dầu phanh

C
Bình luận: 0Lượt xem: 2,121

Ctrl+C

Thành viên O-H
Phanh bị E là hiện tượng trong dầu có lẫn những bọt khí, chúng làm giảm hiệu suất truyền lực trong hệ thống và nhanh hỏng dầu. Việc xả E chỉ nên thực hiện mỗi khi phải tháo rời các chi tiết, thay dầu mới hoặc lúc bóp phanh không ăn, cảm thấy có sự đàn hồi.

Nguyên lý - Cấu tạo
Trong một hệ thống chứa đầy dầu phanh bao gồm xi-lanh, piston và một bình chứa, thông nhau bằng ống dẫn cao áp, người ta lắp mỗi nơi một áp kế. Khi piston ép dầu trong xi-lanh, áp lực ở đây chỉ bao nhiêu thì ở các vị trí khác cũng có trị số như vậy. Nguyên lý nói trên được áp dụng trong hệ thống phanh thủy lực, trang bị cho xe gắn máy đời mới.
Cơ cấu này gồm một bộ xi-lanh - piston chính, được điều khiển bởi tay phanh, và phần ngàm lắp cố định với phuộc nhún của xe. Ngàm phanh có chứa 2 bộ xi-lanh - piston nhỏ hơn, nằm đối diện nhau. Đầu đẩy của các piston con là gối phanh, kẹp đĩa quay ở giữa. Khi bóp tay phanh, áp lực truyền qua dầu theo ống dẫn từ xi-lanh cái tới các xi-lanh con của ngàm phanh, lực này tác dụng vào các piston con, đẩy các gối phanh kẹp chặt vành đĩa quay. Đĩa phanh làm bằng hợp kim có độ bền cao và dẫn nhiệt tốt, có thể được khoan lỗ để làm mát và loại trừ bụi bẩn, gắn cố định vào may-ơ và quay theo nó như một khối. Ống dẫn dầu phanh thường là loại ống dẻo, có độ bền cơ học và chịu áp lực nén cao, đầu nối của chúng là các răc-co cao áp. Má phanh có vạch màu đỏ, báo tới hạn thay mới . Phanh đĩa có 3 loại, phân biệt bởi cấu tạo ngàm kẹp: Cố định, di động (loại 2 xi-lanh con) và kiểu trượt qua lại. Trên xe máy đời mới thường lắp loại có ngàm kẹp kiểu cố định.
Khi má phanh bị mòn dần, dầu trong bình chứa sẽ tự động bù thêm vào xi-lanh cái, giữ đều khoảng hở giữa chúng với đĩa quay.
Xả E cho hệ thống
Các bước thao tác như sau:
1. Tháo rời nắp che bụi và gắn một ống nhựa trong suốt vào đầu ốc xả E trên ngàm phanh. Đặt đầu còn lại của ống vào một bình chứa sạch, đổ vào bình một ít dầu thủy lực, vừa đủ để làm ngập đầu ống. Ống cần phải đủ dài để có thể cuộn thành một vòng nằm ở ngay bên trên ốc xả, tránh bọt khí bị kéo ngược trở lại ngàm phanh.
2. Lau sạch bụi bám trên nắp đậy của xi-lanh cái, tháo vít giữ để nhấc nắp đậy và màng chặn ra ngoài, đổ đầy dầu phanh vào bình chứa. Gắn tạm nắp lại, đề phòng dầu bắn ra ngoài hoặc bụi bặm lọt vào.
3. Bóp phanh từ từ và nhồi nhiều lần đến khi thấy cứng tay thì giữ chặt lại.
4. Mở ốc xả E ra khoảng 1/2 vòng, dầu và bọt khí bị ép ra sẽ nhìn rõ trong ống nhựa lắp trên đầu vú xả. Lúc này tay phanh từ từ ép theo đến gần hết tầm thì vặn ốc xả chặt lại. Lặp lại bước 3, 4 nhiều lần, cho đến khi thấy dầu thoát ra ở đầu ống không còn chút bọt khí nào cả.
5. Suốt quá trình, gõ nhẹ lên ngàm phanh làm long các bọt khí bám ở thành trong của hệ thống. Duy trì dầu trong bình chứa của xi-lanh cái luôn ở vạch đầy tối đa, bởi vì khi liên tục phải bù vào hệ thống thì mực dầu ở bình chứa sẽ bị hạ thấp xuống.
6. Vẫn duy trì lực bóp ở tay phanh, siết chặt ốc xả, sau đó thêm dầu vào bình chứa của xi-lanh cái cho đến vạch UPPER. Lắp màng chặn và nắp đậy, siết vít giữ.
7. Thử lại tình trạng hoạt động của phanh, nếu còn cảm giác đàn hồi, có nghĩa là bọt khí còn tồn tại, phải xả lại lần nữa.
8. Sau khi hoàn tất công việc, kiểm tra lại sự rò rỉ của đường ống dẫn và siết chặt tất cả các rắc-co.
Chú ý
- Dùng vải dày hoặc tấm nhựa đậy thùng xăng, bánh xe và đầu tay lái lại, để chúng không bị hư hỏng trong trường hợp dầu phanh vị vương vãi ra ngoài. Phải lau chùi ngay lập tức khi dầu dây vào các bề mặt sơn hoặc xi mạ của xe, sau đó rửa sạch lại bằng nước xà phòng.
- Nên sử dụng dầu thủy lực loại DOT 4 hoặc loại dầu mà nhà sản xuất ghi trên cụm phanh. Luôn luôn dùng dầu có cùng một mã số, tuyệt đối không pha trộn nhiều chủng loại.
- Trong quá trình xả E, nếu lỡ để bình chứa của xi-lanh cái trống rỗng, thì không khí sẽ lọt vào trong hệ thống và phải lặp lại các bước từ đầu.
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên