6 thao tác cơ bản khi sử dụng mô tô phân khối lớn

DiecKhongSoSung
Bình luận: 2Lượt xem: 3,437

DiecKhongSoSung

Tài xế O-H
Việc nắm vững các thao tác cơ bản, sẽ góp phần giúp người lái cảm nhận được sự thoải mái cũng như đảm bảo an toàn khi “cầm cương” một chiếc mô tô phân khối lớn.

Xuất phát từ quan điểm này, các huấn luyện viên của chương trình Ducati Riding Experience 2017 đã chia sẻ những điều cơ bản dành cho người sử dụng mô tô phân khối lớn. Trong đó, có những thao tác tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải bất cứ ai đang lái mô tô, hay xe tay côn phổ thông cũng đều nắm rõ.


Người lái nên nắm vững các thao tác cơ bản khi sử dụng mô tô phân khối lớn

Với các bài hướng dẫn từ cơ bản đến nâng cao được chia thành hai phần lý thuyết và thực hành, chương trình đào tạo kỹ năng lái mô tô vừa được Ducati tổ chức tại trường đua Đại Nam, Bình Dương đã mang đến những trải nghiệm thực tế cho người tham gia. Dưới đây là những thao tác cơ bản khi sử dụng xe phô tô phân khối lớn đến từ các huấn luyện viên của Ducati:

1 - Sử dụng tối thiểu 2 ngón tay khi bóp thắng, côn tay
Việc sử dụng hai ngón hay cả 4 ngón tay để bóp côn và càng phanh luôn là một thắc mắc với những người sử dụng mô tô phân khối lớn. Theo các huấn luyện viên, người lái mô tô phân khối lớn nên sử dụng tối thiểu 2 ngón tay, thường là ngón trỏ và ngón giữa để cắt côn và bóp càng phanh. Bởi, hai ngón tay này tạo ra lực tốt nhất so với các ngón còn lại trên bàn tay. Tùy vào từng mẫu xe, người lái có thể điều chỉnh hành trình tay côn, tay phanh để đảm bảo lực phanh hay cắt côn mà vẫn không bị cấn khi thao tác.

Nên sử dụng tối thiểu 2 ngón tay, thường là ngón trỏ và ngón giữa để cắt côn và bóp càng phanh

2 - Tạo thói quen đặt tay lên phanh
Trong khi lái xe, người lái nên đặt ngón trỏ và ngón giữa lên càng phanh tay. Điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian phản ứng khi cần sử dụng đến phanh tay. Trong thực tế, khi lái xe với tốc độ cao và gặp tình huống bất ngờ, chỉ cần trong một giây, lái xe không tác động lên phanh cũng đủ để tạo ra cách biệt khá lớn về quảng đường từ khi phanh đến khi xe dừng hẳn. Khi lái xe với tốc độ chậm, nhất là trong các khu đô thị, đông dân cư, nên sử dụng phanh sau để giúp chiếc xe ổn định mà không làm tăng vận tốc của xe.

3 - Thả lỏng phần vai, hai cánh tay khi lái xe
Theo các huấn luyện viên đến từ Ducati, người lái nên thả lỏng phần ngực, vai và hai cánh tay khi cầm lái. Tạo sự thoải mái, linh hoạt cho phần khuỷu tay để thuận tiện hơn khi đánh lái. Bởi nếu người lái gồng cứng cánh tay, sẽ cảm thấy rất mỏi mệt khi lái xe nhất là trên những cung đường dài, thao tác đánh lái cũng mất đi độ linh hoạt, chính xác khi đánh lái điều khiển chiếc xe tránh chướng ngại vật hay vào cua.


Người lái nên thả lỏng phần ngực, vai và hai cánh tay khi cầm lái
4 - Đặt mũi bàn chân trên thanh gác chân
Khi cầm lái mô tô, ngừoi lái nên đặt mũi bàn chân trên thanh gác chân, tư thế này sẽ làm tăng độ đàn hồi cho bàn chân, cổ chân. Qua đó, giúp lái xe phản xạ linh hoạt hơn khi vào số hay hãm phanh, đồng thời tránh được các rung chấn của mặt đường lên ống chân và phần trên cơ thể, góp phần giảm thiểu mệt mỏi trên những hành trình dài.

Khi lái mô tô, người lái nên đặt mũi bàn chân trên thanh gác chân

Trong thực tế, khi chuyển từ xe gắn máy sang sử dụng mô tô phân khối lớn, nhiều người thường có thói quen đặt gót chân lên thanh gác chân, để mũi bàn chân lên cần số, phanh chân. Đây được cho là một sai lầm, bởi theo huấn luyện viên của Ducati, điều này có ảnh hưởng lớn đến các xử lý động lực học.

5 - Ôm sát đầu gối vào hai bên bình xăng

Việc ôm sát đùi, đầu gối vào thân xe khi lái xe sẽ giúp người lái và chiếc xe trở thành một khối liên kết. Từ đó, giúp lái xe giữ thăng bằng tốt hơn trong khi phanh hay qua các khúc cua, đường dốc, đồng thời góp phần làm giảm lực cản gió do cơ thể tạo ra khi đang lái xe.


Việc ôm sát đùi, đầu gối vào thân xe giúp lái xe giữ thăng bằng tốt hơn
6- Khi dựng chống nghiêng, nên bẻ hết đầu xe về bên phải
Việc bẻ ngoặt tay lái về bên phải khi dựng chân chống nghiêng sẽ ra tạo khoảng trống giúp người lái dễ dàng lên, xuống xe mà không bị tay lái vướng hông, đùi. Đây là thao tác khá đơn giản, nhưng không phải bất cứ ai sử dụng mô tô phân khối lớn cũng biết để áp dụng.

Ngoài những thao tác cơ bản, chương trình Ducati Riding Experience 2017 còn mang đến cho người tham gia những trải nghiệm thực tế trên các mẫu xe như Hyperstrada, Monster, Multistrada 1200 và Ducati Scrambler… qua các bài tập điều khiển xe ở tốc độ thấp và xử lý khi đưa xe vào cua.

Một số hình ảnh trải nghiệm thực tế kỹ năng lái mô tô phân khối lớn:







Hoàng Cường​
 

theanh_79

Tài xế O-H
Riêng về cách vận hành xe côn tay,khi nào cần bóp tay côn ( trừ khi lên xuống số ) đã là một vấn đề. Bóp ra sao,phối hợp côn ga chân số như thế nào . Nhiều người mới bắt đầu đi xe côn tay hay mắc lỗi nhấp tay côn nhiều dẫn đến việc các lá bố bị cọ sát quá nhiều sinh nhiệt...cháy lá bố
 

theanh_79

Tài xế O-H
Tư thế ngồi xe motor là " cứng phần dưới,thả lỏng phần trên " không chồm người lên trước hay đổ người ra sau. Thả lỏng từ thắt lưng trở lên,tay có độ gập khửu ko thẳng căng. Tư thế này sẽ thuận lợi cho xử lý tình huống như tăng tốc - chồm người lên hạ thấp trọng tâm. Nhưng khi thắng phải căng tay hơi ngả trọng tâm ra sau.
Khi ôm cua tùy theo từng loại xe mà đè người hay đè xe. Chứ ko phải là xe nhỏ cũng ngả người banh gối như motorGP
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên