CẦU CHÌ Ô TÔ: CẤU TẠO, CHỨC NĂNG, NGUYÊN LÝ HOẠT ĐỘNG VÀ CÁC KÝ HIỆU
Cầu chì ô tô có tác dụng ngắt mạch điện khi dòng điện chạy trong hệ thống điện ô tô quá lớn. Cầu chì khi bị ngắt mạch hoàn toàn có thể nối lại. Tuy nhiên, nếu cầu chì bị cháy hay bị thối do lâu ngày không vận hành xe liệu có cách nào để kiểm tra và thay thế? Để tự thực hiện công việc nêu trên yêu cầu người tiến hành phải hiểu rõ được cấu tạo, nguyên lý hoạt động và các ký hiệu trên hộp cầu chì.
Cầu chì ô tô: cấu tạo, chức năng, nguyên lý hoạt động và các ký hiệu
1. Cầu chì ô tô có chức năng gì?
Cầu chì ô tô là bộ phận thuộc hệ thống an toàn ô tô, được lắp đặt dưới nắp capo hay dưới bảng taplo ô tô. Giữ chức năng bảo vệ các chi tiết điện thuộc hệ thống điện ô tô khỏi các hiện tượng chập điện, cháy nổ hay hỏng hóc.
1.1. Phân loại
Tùy vào kích cỡ, thiết kế, hình ảnh mà cầu chì được chia thành nhiều loại khác nhau. Trên mỗi dòng xe, cầu chì lại được thiết kế phù hợp với mục đích sử dụng và nhu cầu vận hành. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có 2 loại cầu chì phổ biến, là cầu chì lưỡi dao và cầu chì ống thủy tinh. Mỗi loại lại chia làm nhiều chủng loại khác nhau được thiết kế phù hợp với nhiều dòng xe khác nhau.
Cầu chì lưỡi dao bao gồm 4 loại:
- Micro: là loại cầu chì lưỡi có kích thước nhỏ nhất, đi kèm với hai ngạnh micro 2 và ba ngạnh micro 3.
- Standard (APR, ATC, ATO): thiết kế nhỏ gọn, phù hợp với nhiều dòng xe. Đây cũng là loại cầu chì được sử dụng phổ biến trong hầu hết các dòng xe hơi và xe tải hiện nay.
- Mini (APM, ATM): có thiết kế tương đối nhỏ gọn nhưng lớn hơn so với cầu chì Standard, cấu hình thấp.
- Maxi (APX): có cường độ dòng điện cao hơn những loại cầu chì trên nên thường được trang bị trên các loại xe hạng nặng.
Cầu chì ống thủy tinh bao gồm 2 loại:
- Loại D: có hai kích thước loại 5x20mm và loại 6x30mm với nhiều mức điện áp khác nhau từ 0.2A đến 30A, giá thành rất rẻ. Cấu tạo gồm một ống thủy tinh, bảo quản bên trong là một dây chì và được giới hạn bằng hai đầu kim loại.
- Loại liên kết dạng ống (HRC): có thiết kế tương tự như loại D, tuy nhiên, lớp thủy tinh bên ngoài được bọc bằng một lớp bột làm đầy; là loại cầu chì công suất gián đoạn cao được ca ngợi là rất đáng tin cậy. Có đặc tính thời gian nghịch đảo nên thời gian gián đoạn sẽ ít hơn khi xuất hiện dòng sự cố cao.
1.2. Cấu tạo
Mỗi loại cầu chì khác nhau sẽ có cấu tạo khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, cầu chì ô tô thường được thiết kế gồm 3 phần chính: đế cầu chì, vỏ cầu chì và dây chảy.
Đế cầu chì: thường được làm bằng kim loại.
Vỏ cầu chì: có thể được làm bằng nhựa, gốm, sứ hoặc thủy tinh. Với những loại cầu chì có dòng định mức lớn, vỏ cầu chỉ sẽ được thiết kế một lớp chất nhồi bên trong vỏ để hạn chế hồ quang.
Dây chảy: là bộ phận đóng vai trò quan trọng nhất của cầu chì, đảm nhận nhiệm vụ ngắt mạch khi xảy ra sự cố quá tải điện. Bộ phận này thường được làm bằng chì, thiếc, đồng, thau bạc hoặc nikel.
Cấu tạo của cầu chì ô tô
1.3. Nguyên lý hoạt động
Cầu chì hoạt động dựa trên đặc tính Ampe - giây, là sự phụ thuộc của thời gian chảy đứt với dòng điện chạy qua. Khi cường độ dòng điện trong hệ thống điện ô tô đột ngột tăng, dây cầu chì sẽ tự động chảy hoặc uốn cong để tách ra khỏi mạch điện. Dòng điện chạy trong hệ thống càng lớn thì mạch ngắt càng nhanh.
2. Các ký hiệu trên hộp cầu chì ô tô
Trên mỗi hộp cầu chì ô tô, đều có một bảng chú thích ý nghĩa các ký hiệu để phục vụ cho quá trình kiểm tra, sửa chữa và thay thế các bộ phận dễ dàng hơn.
Ý nghĩa các ký hiệu trên hộp cầu chì ô tô
3. Kiểm tra và xử lý các hỏng hóc của cầu chì ô tô
Trường hợp cầu chì bị ngắt do dòng điện chạy qua mạch quá lớn có thể gắn lại nếu chiều dài dây còn đủ dài. Tuy nhiên, với những hỏng hóc như cầu chì bị cháy, bị thối do một thời gian dài không sử dụng thì người dùng có thể làm cách nào để kiểm tra và thay thế chúng?
Đầu tiên, hãy cùng Hà Thành Garage tìm hiểu các bước để kiểm tra cầu chì.
3.1. Hướng dẫn kiểm tra
Dụng cụ mà quý khách cần chuẩn bị để kiểm tra cầu chì là một thiết bị kiểm tra mạch điện có trang bị đèn LED để dễ dàng quan sát trong bóng tối.
Các bước tiến hành như sau:
Bước 1: Mở hộp cầu chì. Sử dụng sơ đồ bố trí (xem hình ảnh bên dưới) để tìm cầu chì nghi ngờ bị hỏng để kiểm tra.
Lưu ý: Cần ngắt toàn bộ nguồn điện trước khi kiểm tra để đảm bảo an toàn.
Sơ đồ bố trí các ký hiệu trên hộp cầu chì ô tô
Bước 2: Đặt thiết bị kiểm tra vào điểm nối giữa cầu chì và bảng mạch điện để kiểm tra tình trạng thông mạch của cầu chì.
- Đèn thiết bị phát sáng: điều này có nghĩa có dòng điện chạy qua cầu chì (hay cầu chì thông mạch). Như vậy, cầu chì không gặp bất kỳ hỏng hóc nào hết.
- Đèn thiết bị không phát sáng: tức không có dòng điện chạy qua cầu chì. Trường hợp này, cầu chì đã bị hỏng.
3.2. Thay cầu chì ô tô
Phát hiện cầu chì bị hỏng, quý khách tiến hành thay thế như sau:
Bước 1: Dùng kẹp hoặc kìm nhỏ mũi dài gắp cầu chì bị hỏng ra khỏi bảng mạch.
Cách thay cầu chì ô tô - bước 1
Bước 2: Kiểm tra chỉ số Ampe của cầu chì bị hỏng hoặc xem trực tiếp thông số được in trên nắp cầu chì. Sau đó tìm mua cầu chì có Ampe tương đương. Và lại dùng kẹp gắp, gắn cầu chì mới vào vị trí của cái bị hỏng.
Cách thay cầu chì ô tô - bước 2
Trên đây là toàn bộ những điều mà người sử dụng cần biết về cầu chì ô tô: về cấu tạo, chức năng, vị trí, nguyên lý hoạt động, ý nghĩa các ký hiệu, cuối cùng là cách kiểm tra và thay thế cầu chì khi chúng bị hỏng, thối hay bị cháy.