Tìm hiểu về bài kiểm tra an toàn trên ô tô của IIHS

T
Bình luận: 0Lượt xem: 2,243

ttl.hust

Tài xế O-H
Tìm hiểu về tổ chức IIHS và những bài đánh giá, xếp hạng mức độ an toàn xe hơi của họ.

tim-hieu-ve-bai-kiem-tra-an-toan-tren-o-to-cua-iihs 1.png

Nếu xe của bạn không may gặp tai nạn, sẽ thật may mắn khi tất cả những người trong xe đều được an toàn. Khi đó, khả năng đảm bảo cho sự an toàn này chắc chắn đến từ chiếc xe mà bạn đã mua. Vậy trước khi mua xe, chúng ta dựa vào đâu để tham khảo và đánh giá được độ an toàn của chúng? Câu trả lời là hệ thống đánh giá của Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc Mỹ (Insurance Institute for Highway Safety, IIHS) .

IIHS là một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập bởi hiệp hội các công ty bảo hiểm lớn ở Mỹ vào năm 1959 (cùng thời gian khi Volvo giới thiệu dây an toàn 3 điểm).

Mục đích hoạt động của IIHS là thực hiện các thử nghiệm về độ bền của xe khi xảy ra va chạm, đồng thời đánh giá ảnh hưởng của va chạm với những người bên trong xe. Từ đó, IIHS đánh giá mức độ an toàn của xe và đưa ra các biện pháp giúp giảm tần suất va chạm, giảm thiểu tỷ lệ và mức độ nghiêm trọng của thương tích (cũng như thiệt hại về tiền).

tim-hieu-ve-bai-kiem-tra-an-toan-tren-o-to-cua-iihs 2.png


Ngoài ra, song song với IIHS, một tổ chức khác cũng thực hiện các đánh giá chất lượng an toàn là Cơ quan An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ (National Highway Traffic Safety Administration, NHTSA). Tuy nhiên, các bản đánh giá giữa 2 tổ chức này có sự khác biệt.

Russ Rader – phó chủ tịch truyền thông của IIHS cho biết: “Các bài kiểm tra của NHTSA chủ yếu xem xét dây an toàn và túi khí để bảo đảm tính mạng người dùng. Trong khi đó, bài kiểm tra của IIHS thì đòi hỏi khắt khe hơn về cấu trúc của xe.” Ông cũng lưu ý thêm rằng việc tổng hợp kết quả từ 2 bài kiểm tra này sẽ đưa ra một tiêu chuẩn an toàn chính xác nhất.

Các quy trình kiểm tra của IIHS hiện tại bao gồm không dưới 6 bài kiểm tra độ bền va chạm. Ngoài ra, IIHS còn có thêm 2 bài kiểm tra phòng ngừa va chạm trực diện, 1 bài kiểm tra đèn pha và 1 bài kiểm tra mức độ dễ sử dụng của ghế trẻ em. IIHS tiến hành kiểm tra các mẫu xe du lịch mới hàng năm; chiếc xe tốt nhất trong số đó sẽ giành được giải thưởng Top Safety Pick và Top Safety Pick+.

Vậy một chiếc xe hơi cần phải an toàn đến mức nào mới vượt qua được bài kiểm tra của IIHS? Hãy cùng theo dõi tiếp bài viết dưới đây

1. Xếp hạng Top Safety Pick và Top Safety Pick+ của IIHS

IIHS chỉ trao tặng giải thưởng Top Safety Pick cho những xe có khả năng chống va chạm, phòng ngừa va chạm trực diện và thử nghiệm đèn pha.

Để nhận được giải thưởng Top Safety Pick, một chiếc xe phải được xếp hạng “Tốt” (Good) trong 6 đánh giá về mức độ va chạm, “Nâng cao” (Advanced) hoặc “Vượt trội” (Superior) cho khả năng phòng ngừa va chạm trực diện và “Khá” (Acceptable) hoặc “Tốt” cho đèn pha trên xe.

Các nhà sản xuất muốn đạt danh hiệu Top Safety Pick+ phải đáp ứng các yêu cầu tương tự, tuy nhiên đèn chiếu sáng còn phải được trang bị ở tiêu chuẩn cao hơn. Lưu ý rằng các tiêu chuẩn của IIHS thường xuyên được thay đổi. Do vậy, một mẫu xe đạt được danh hiệu Top Safety Pick năm 2021 sẽ đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn khác so với một mẫu xe đạt danh hiệu Top Safety Pick 2019.

Năm vừa rồi, một số mẫu xe đạt danh hiệu Top Safety Pick 2021 có thể kể đến như Mazda3, Mazda6, Kia K5, Honda Accord, Toyota Camry…


2. Thử nghiệm va chạm IIHS

Phần lớn xếp hạng an toàn của IIHS đến từ thử nghiệm va chạm. Các bài kiểm tra an toàn của IIHS bao gồm không ít hơn 6 đánh giá về mức độ va chạm, bao gồm:

  • Đánh giá va chạm trực diện – chồng lấp trung bình (Moderate Overlap Front);
  • Đánh giá va chạm trực diện – chồng lấp nhỏ bên người lái (Driver-Side Small Overlap Front);
  • Đánh giá va chạm trực diện – chồng lấp nhỏ bên phụ (Passenger-Side Small Overlap Front);
  • Đánh giá va chạm bên (Side Impact);
  • Đánh giá độ cứng nóc (Roof Strength);
  • Đánh giá va chạm sau đầu (Head Restraints).
Đối với mỗi bài đánh giá, xe nhận được 1 trong 4 xếp hạng: “Kém” (Poor), “Trung bình” (Marginal), “Khá” (Acceptable) hoặc “Tốt” (Good).

Đối với bài thử nghiệm va chạm trực diện, xe sẽ di chuyển thẳng về phía vật cản cứng ở tốc độ 64.4 km/h. Với bài kiểm tra va chạm bên hông, một vật thể có hình dạng xe SUV nặng 1,497 kg sẽ lao tới va chạm bên phía người lái ở tốc độ 50 km/h. Ngoài ra, hình nộm được dùng trong các bài thử nghiệm có kích thước của nam giới (cỡ người trung bình).

Trong cả hai bài thử nghiệm va chạm trực diện và bên hông, phụ nữ có nhiều khả năng bị chấn thương đầu hơn nam giới. IIHS đã sử dụng 2 hình nộm nhằm mô phỏng một người phụ nữ ngồi ở ghế lái và một đứa trẻ 12 tuổi ngồi ở ghế phía sau người lái.

Xếp hạng của một chiếc xe được xác định bởi tính toàn vẹn của lồng an toàn (safety cage) sau va chạm. Các cảm biến chấn thương (injury sensor) được gắn lên hình nộm. Điều này là nhằm đánh giá mức độ hiệu quả của hệ thống túi khí hay các bộ phận an toàn khác trên xe. Ngoài ra, các cảm biến còn cung cấp thông tin về sự dịch chuyển của hình nộm (khi xảy ra va chạm) và các vị trí có thể bị thương trên cơ thể.

Trong khi đó, thử nghiệm va chạm sau đầu sử dụng một hình nộm thông minh, bên trong được lắp một cột sống nhân tạo. Với thiết lập này, IIHS có thể xác định khả năng bị căng cơ cổ và bong gân trong trường hợp có tác động từ phía sau. Hình nộm được đặt vào một ghế lái (gắn trên xe trượt và di chuyển) để mô phỏng các vụ va chạm.

Các phương tiện được đánh giá dựa trên hình dạng của ghế và lực tác động lên cổ hình nộm sau va chạm.

Tiếp theo, độ cứng nóc xe được đánh giá bằng cách dùng một tấm kim loại tác động lực vào nóc xe. Xếp hạng ở bài kiểm tra này được dựa trên chỉ số tỷ lệ độ cứng trên trọng lượng (strength-to-weight ratio) của xe. Để đạt được xếp hạng “Tốt” thì tỷ lệ này phải có giá trị ít nhất bằng 4, có nghĩa là nóc xe chịu được lực tương đương với 4 lần trọng lượng của xe.

3. Thử nghiệm phòng ngừa tai nạn trực diện của IIHS

Ngày nay, nhiều nhà sản xuất xe hơi đã trang bị tính năng phanh khẩn cấp tự động trên các mẫu xe cao cấp. Điều quan trọng là IIHS phải đánh giá hiệu quả của những hệ thống này.

Những chiếc xe có tính năng này được IIHS đánh giá khả năng phát hiện và ngăn ngừa va chạm với các phương tiện khác. Các hệ thống phòng ngừa va chạm trực diện có thể nhận được 1 trong 3 xếp hạng “Cơ bản” (Basic), “Nâng cao” hoặc “Vượt trội”.
tim-hieu-ve-bai-kiem-tra-an-toan-tren-o-to-cua-iihs 3.png


Các bài kiểm tra phòng ngừa va chạm giữa xe với xe được thực hiện lần lượt ở tốc độ 19 km/h và 40 km/h. Đồng thời, các bài kiểm tra giữa xe với người đi bộ cũng được thử nghiệm ở tốc độ tương tự.

Ngoài ra, IIHS cũng kiểm tra tình huống xe chạy đến từ phía sau lưng người đi bộ ở tốc độ 40 km/h và 59.5 km/h. Xếp hạng được xác định dựa trên khả năng xe “tự giảm tốc độ” trước khi xảy ra va chạm.

Chỉ những hệ thống phanh khẩn cấp tự động tiên tiến nhất mới đạt được xếp hạng “Vượt trội” trong cả 2 hạng mục nêu trên.

Hiện tại, IIHS chưa có các bài đánh giá về tính năng căn giữa làn đường (lane centering), kiểm soát hành trình thích ứng (adaptive cruise control) hay các hệ thống hỗ trợ người lái rảnh tay (hands-free driver-assist system) như Autopilot của Tesla và Super Cruise của GM.

Hiện các hệ thống này đang ngày càng trở nên phổ biến và đại diện cho xe tự lái cấp độ 2 (phanh khẩn cấp tự động là cấp độ 1). Trong tương lai gần, IIHS sẽ bổ sung các bài đánh giá về khía cạnh này vào thử nghiệm an toàn của mình.

4. Xếp hạng đèn pha của IIHS

Trong tất cả các bài thử nghiệm, đánh giá về đèn pha của IIHS nổi tiếng là khó vượt qua nhất.

Trong quá trình thử nghiệm, mỗi tùy chọn đèn pha của một chiếc xe lần lượt được đánh giá trên đường thẳng, các đường cong trái (phải) và các góc cua trái (phải) gắt hơn. Đây là những tình huống mà các tính năng nâng cao như hỗ trợ chùm sáng cao (high beam assist) và đèn pha thích ứng theo đường cong (curve-adaptive headlight) thực sự phát huy tác dụng.
tim-hieu-ve-bai-kiem-tra-an-toan-tren-o-to-cua-iihs 4.png


Xe được đánh giá dựa trên khoảng cách giữa xe và điểm xa nhất mà đèn pha chiếu đến. Các phương tiện có thể nhận được một trong các xếp hạng “Kém”, “Trung bình”, “Khá” hoặc “Tốt” cho mỗi tuỳ chọn đèn pha.

5. Kiểm tra ghế trẻ em LATCH

Ghế trẻ em (Lower Anchors and Tethers for Children, LATCH) là một hệ thống dễ dàng lắp đặt trên hầu hết xe hơi. Ghế trẻ em có thể được lắp đặt chỉ bằng cách sử dụng dây an toàn, nhưng việc trang bị LATCH sẽ đơn giản hóa mọi thứ và tăng khả năng ghế được lắp đúng cách.
tim-hieu-ve-bai-kiem-tra-an-toan-tren-o-to-cua-iihs 5.png


IIHS đã bắt đầu đánh giá LATCH từ năm 2015 và chỉ định các thứ hạng gồm “Kém”, “Trung bình”, “Khá”, “Tốt” và “Tốt+”. Các tiêu chí đánh giá cụ thể bao gồm vị trí của các neo ghế, lực gắn cần thiết để lắp đặt ghế và góc khe hở.

Để đạt được xếp hạng “Tốt”, hai vị trí lắp đặt LATCH phía trên và dưới phải đáp ứng tất cả các tiêu chí và có dây buộc thứ ba ở hàng ghế sau. Xếp hạng “Tốt+” được dành cho xe có hai hàng ghế đều đáp ứng các yêu cầu của “Tốt”.

6. Lời kết

Trên đây là tất cả những nội dung có trong bài kiểm tra an toàn của IIHS. Nhờ vào các bài đánh giá khắt khe về mức độ an toàn mà IIHS (cùng với một vài tổ chức khác như NHTSA và Euro NCAP) đã dần tạo dựng được uy tín cho mình.

Những bài kiểm tra nói trên được xem như “chướng ngại vật” mà các nhà sản xuất xe hơi phải vượt qua. Từ đó, những mẫu xe của họ mới có thể tạo dựng niềm tin về độ an toàn cho người dùng.

-Nguồn Internet-

 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên