Ô tô điện xu hướng của tương lai - Phần 1: Lược sử ô tô điện

winner
Bình luận: 0Lượt xem: 467

winner

Tài xế O-H
Ô tô điện không phải là một khái niệm mới lạ. Từ đầu thế kỷ XIX, xe chạy bằng năng lượng điện đã có vị thế cạnh tranh tương đương với xe chạy bằng động cơ hơi nước. Vào khoảng những năm 1832-1839, Robert Anderson, người Scotland đã phát minh ra loại xe điện chuyên chở đầu tiên. Năm 1842, hai nhà phát minh người Mỹ là Thomas Davenport và Sotsmen Robert Davidson đã trở thành những người đầu tiên đưa pin vào sử dụng cho ô tô điện. Năm 1865, các nhà bác học Anh và Pháp đã thành công trong việc nâng cao khả năng lưu trữ điện trong Pin, giúp cho xe điện có thể di chuyển trong khoảng đường dài. Anh và Pháp là hai quốc gia đầu tiên đưa ô tô điện vào phát triển trong hệ thống giao thông vận tải vào cuối thế kỷ XVIII. Đến đầu thế kỷ XX, xe ôtô điện trở nên yếu thế so với ô tô sử dụng động cơ đốt trong, chạy bằng xăng dầu. Vào thời điểm này, người ta đã tìm ra những mỏ dầu lớn, dẫn đến việc hạ giá thành dầu và các sản phẩm của dầu trên toàn thế giới. Mặt khác, về mặt kỹ thuật, công nghệ chế tạo động cơ đốt trong có những tiến bộ vượt bậc, khiến cho xe chạy động cơ đốt trong chạy bằng xăng dầu có giá thành hạ. Kết quả, đến năm 1935, ô tô điện gần như biến mất.

camille-jenatzy-cung-chiec-xe-dien-co-kieu-dang-doc-dao-anh-wikimedia-1611720791043625629175-...jpeg

Mẫu xe điện có thiết kế hình tên lửa Jamais Contente đã đạt tốc độ đến 105,88 km/h vào ngày 29/4/1899 - Ảnh: Wikimedia.​

Bắt đầu từ thập niên 60-70 của thế kỷ trước, thế giới đã thực sự đối mặt với hai vấn đề lớn mang tính toàn cầu: vấn đề năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, than đá) đang nhanh chóng cạn kiệt, không có khả năng tái tạo và vấn đề ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, nhân loại đã nhìn thấy rõ điện năng là loại năng lượng rất linh hoạt, có thể được chuyển hóa từ nhiều nguồn năng lượng hầu như vô tận, như năng lượng hạt nhân, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng biển... Về ô nhiễm môi trường, nguyên nhân chính là khí thải từ các phương tiện giao thông vận tải chạy bằng xăng dầu, nhất là ô tô. Như vậy, ô tô điện là giải pháp tối ưu để giải quyết cả hai vấn đề trên. Đó là lý do khiến ô tô điện trở thành mối quan tâm đặc biệt của ngành sản xuất ô tô và của các nhà khoa học trên toàn thế giới từ giữa thế kỷ XX trở lại đây.

Không chỉ góp phần chống biến đổi khí hậu, cứu Trái đất thoát khỏi những thảm họa môi trường, ô tô điện còn đem lại lợi ích bảo vệ sức khỏe cho con người, trong bối cảnh ảnh hưởng của khí thải độc hại từ các phương tiện giao thông vận tải đang ở mức báo động. Nghiên cứu của Phòng thí nghiệm hàng không và môi trường của Viện Công nghệ Masachusetts (Mỹ) công bố vào tháng 8/2013, chỉ riêng ở Mỹ, mỗi năm có 200.000 người chết do ô nhiễm không khí, trong đó 53.000 người chết vì bệnh ung thư từ khí thải của các phương tiện giao thông trên đường bộ xả ra. Trên quy mô toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) ước tính, mỗi năm có 3,2 triệu người chết do ô nhiễm không khí, trong đó 2,1 triệu ca tử vong vì ung thư ở châu Á, nơi có thị trường ô tô bùng nổ hơn thập kỷ qua. Một nghiên cứu của Hiệp hội Phổi ở Mỹ cho biết, nếu 3⁄4 số xe ô tô ở California chuyển sang ô tô điện vào năm 2025 thì có thể giảm 70% số ca mắc bệnh ung thư phổi của người dân ở bang này...

Có một điều chắc chắn rằng, khi các hãng sản xuất ô tô điện thành công sử dụng 100% điện năng sạch, như điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời, điện từ sóng biển..., thì việc cứu hàng triệu con người, cứu Trái đất khỏi ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu... sẽ không phải là chuyện viển vông. Ngày nay, thế giới đã khẳng định, ô tô điện là xu thế tất yếu của thời đại.

Còn tiếp .... (Em sẽ cập nhật tiếp phần 2 sau ạ)
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên