Một vài dự báo về ngành ô tô trong năm 2021

Nguyễn Xuân Giang
Bình luận: 0Lượt xem: 1,451

Nguyễn Xuân Giang

Giữ xe
Nhân viên
Theo đánh giá từ các chuyên gia, thì ngành ô tô khá nhạy cảm với dịch covid 19 do nhu cầu đi lại giảm trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh. Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm 2020, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cùng với nhu cầu mua xe bị dồn nén tương đối lớn và tâm lý tận dụng giai đoạn thị trường ô tô suy giảm để mua xe giá rẻ, đã giúp ngành phục hồi nhanh chóng, và đà hồi phục có thể tiếp tục trong năm 2021. Ngoài ra, hầu hết người mua ô tô đều có thu nhập trung bình đến cao nên sức mua sẽ chịu ít ảnh hưởng hơn bởi đại dịch.

Về GDP - Theo mục tiêu của chính phủ sẽ đạt 6% bất chấp dịch bệnh và Ước tính ngành ô tô sẽ tăng trưởng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY) về sản lượng tiêu thụ trong năm 2021, do nhu cầu mua ô tô tiếp tục duy trì ở mức cao. Nếu dịch được kiểm soát tốt có thể sẽ tăng hơn nữa.

Nhu cầu mua ô tô có thể tiếp tục tăng nhanh nhờ tăng nguồn cung ô tô trong nước, giảm thuế/phí và giảm giá ở nhiều mẫu ô tô, thu nhập bình quân trên đầu người Việt Nam đang trên đà tăng trưởng nhanh, dự kiến ở mức 8-10%/năm trong vòng 10 năm tới.

du-bao-nganh-o-to-nam-2021.jpeg

So sánh với các quốc gia trong khu vực, mức thu nhập bình quân hiện nay của Việt Nam đang tiến rất gần tới điểm bùng nổ về nhu cầu mua ô tô. Ô tô sẽ sớm chuyển từ mặt hàng xa xỉ với chỉ 34 xe/1000 người vào năm 2021 (nguồn: Cục đăng kiểm Việt Nam) trở thành mặt hàng tiêu dùng phổ biến với tỷ lệ sở hữu xe cao như các nước trong khu vực. (Hiện chúng ta mới chỉ đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á)

Sản lượng sản xuất xe trong nước tăng nhanh đang dần đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và có thể giúp giá xe ngày càng rẻ hơn. Với việc có thêm nhiều nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô mới ước tính hoàn thành vào giai đoạn 2022 – 2023. Nhóm phân tích cho rằng thị trường ô tô sẽ cực kỳ sôi động và các nhà sản xuất có thể cho ra nhiều chính sách chiết khấu và giảm giá mạnh mẽ để thúc đẩy nhu cầu thị trường bắt kịp nguồn cung mới.

Chính phủ sẽ giảm dần thuế/ phí đối với ô tô: Sau nghị định 57/2020/ND-CP và Hiệp định EVFTA, ATIGA có hiệu lực, rất nhiều loại thuế phí đã được cắt bỏ và giá ô tô cũng giảm theo tương ứng. Hiện tại, Quốc hội đang thảo luận về khả năng giảm thuế tiêu thu đặc biệt (tỷ lệ giảm thuế tương ứng với tỷ lệ nội địa hóa của mỗi dòng xe), giúp thúc đẩy hơn nữa tiêu thụ xe giá rẻ. Tuy nhiên, khả năng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô còn tương đối thấp vì khoản này đóng góp tới 4,4% thu ngân sách nhà nước và khó có thể cắt giảm trong thời điểm thu ngân sách bị ảnh hưởng tiêu cực sau dịch Covid-19.

Quy mô thị trường đã đủ lớn để các nhà sản xuất chuyển dịch từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước. Trước đó, các nhà sản xuất ô tô chủ yếu nhập khẩu các mẫu xe vì quy mô thị trường chưa đủ lớn để lắp ráp xe trong nước. Tuy nhiên, khi thị trường ô tô Việt Nam đang phát triển nhanh chóng về sản lượng tiêu thụ và thị phần ngày càng trở nên tập trung, lĩnh vực sản xuất ô tô đang thu hút nhiều vốn đầu tư hơn.

Hiện trên thị trường có 6 thương hiệu mạnh chiếm 90% thị phần là Thaco, Huyndai, Toyota, Mitsubishi, Ford, Honda với doanh số bình quân ~ 30.000 – 60.000 chiếc/năm, vượt qua điểm hòa vốn đối với xe lắp ráp trong nước (theo ước tính trước đây là 30.000 – 40.000 chiếc/ năm cho một nhà máy lắp ráp hoặc 10.000 – 20.000 chiếc/ năm cho mỗi mẫu xe).

Tổng cộng 4/6 thương hiệu ô tô hàng đầu đã công bố đầu tư vào các nhà máy lắp ráp ô tô lớn chỉ trong hai năm gần đây và nhiều dự án lắp ráp khác sẽ triển khai trong thời gian tới (ví dụ: nhà máy Honda và Toyota mở rộng). Ngoài ra khi các nhà máy lắp ráp trong nước tăng đồng nghĩa với nhu cầu về phụ tùng ô tô và công nghiệp phụ trợ tăng, do đó tạo cơ hội mạnh mẽ để tăng tỷ lệ nội địa hóa ngành.

Cre: Nguyễn Thanh Đàm
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên