Mercedes làm gì để hồi sinh (Phần 1)

vancong
Bình luận: 0Lượt xem: 857

vancong

Hết mình vì Ô hát!
Vị lãnh đạo uy tín và tài năng Dieter Zetsche có trọng trách vực dậy thương hiệu hạng sang nổi tiếng của Đức, vốn ngập trong khó khăn về tài chính và sản phẩm không mấy được lòng giới trẻ.
> Tháng ngày đen tối ở Daimler

Tại tổng hành dinh Daimler AG, tập đoàn mẹ của Mercedes-Benz, hàng chục câu hỏi về cải tổ lại công ty và chất lượng thương hiệu liên tiếp được đặt ra bởi các kỹ sư, nhà thiết kế, giám đốc sản xuất và giám đốc bán hàng. Đó cũng là những điểm trong dự án đại tu Mercedes của CEO Dieter Zetsche, hay còn được gọi thân mật là Dr. Z, nhằm vãn hồi tình trạng bị cô lập tài chính và mất dần sức cạnh tranh của hãng.

Dieter Zetsche, người được kỳ vọng sẽ cứu Mercedes. Ảnh: CNN.

Nói chung toàn tập đoàn, Daimler đang gặp phải nhiều khó khăn khi tụt từ vị trí 11 xuống 23 trong danh sách Fortune Global 500. Doanh số chỉ đạt 140 tỷ USD trong năm 2008, sản xuất chậm chạp và tập đoàn đã phải cho hàng nghìn công nhân nghỉ hưởng lương.

Quý 4/2008 và 3 tháng đầu năm nay, tổng doanh số giảm 25% trong khi doanh số xe tải vốn chiếm một phần tư trong thu nhập của hãng cũng giảm 40%. Suy giảm kinh tế chỉ là nguyên nhân một phần, điều quan trọng hơn là thị phần xe sang của Daimler đang bị xâm chiếm dần bởi đối thủ BMW và Audi - hai hãng làm ăn có lãi trong thời khủng hoảng.

Dieter Zetsche - kỳ vọng của Mercedes

Dr. Z, người đang gánh trên vai trọng trách xây dựng lại Daimler là một nhân vật quen thuộc với nhiều người Mỹ. Hồi tập đoàn còn nắm giữ Chrysler, ông đã xuất hiện trên truyền hình trong các quảng cáo xe Chrysler. Khi việc làm ăn của Chrysler gặp vấn đề, ông là người được cử tới Detroit để giải quyết. Zetsche trở về Đức và giữ chức tổng giám đốc Daimler và Mercedes vào năm 2006.

Ngay khi nhậm chức, Zetsche đã tiến hành một chương trình cắt giảm chi phí mạnh và nâng cao chất lượng, mang về cho tập đoàn một khoản tiết kiệm lớn và cứu vãn hình ảnh đang bị sứt mẻ của các thương hiệu.

Cuối tháng 4/2007, chính ông là người ra quyết định sang tay 80,1% cổ phần của Chrysler cho Ceberus, kết thúc thời kỳ khủng hoảng đã tiêu tốn của các cổ đông hàng chục tỷ USD thất thu. Khi đó, Zetsche được coi là nhân vật nổi trội trong hàng ngũ lãnh đạo, nhưng phía sau hào quang đó là nỗ lực của ông cùng đội ngũ cộng sự nhằm giải quyết hai câu hỏi có tính sống còn: làm sao để vượt qua thời kỳ khó khăn, và làm sao để lấy lại sức mạnh thời hoàng kim.

Điều đó không hề dễ dàng. Trong suốt cuộc phỏng vấn với tạp chí Fortune, vị tổng giám đốc tỏ ra mệt mỏi sau 6 tháng vật lộn với khủng hoảng lãnh đạo. Ông không còn nói nhiều về tinh thần của tập đoàn, thay vào đó là những tâm sự chua chát về suy thoái kinh tế đang lan rộng, hàng loạt thách thức về công nghệ và môi trường mà ngành công nghiệp của ông đang đối mặt, nói về yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và chính quyền đối với tiêu chuẩn khí thải. “Ngành công nghiệp của chúng ta chưa bao giờ trải qua thời kỳ thay đổi mãnh liệt như vậy”, ông thừa nhận.

E-class thế hệ mới có thiết kế trẻ trung và chi phí sản xuất thấp hơn. Ảnh: Mercedes.

Nhưng Zetsche không phải là người dễ đầu hàng. Tháng 3/2009, bù đắp cho hao hụt tiền mặt, ông đã bán lại 9,1% cổ phần của tập đoàn cho quỹ đầu tư Aabar Investments ở Abu Dhabi với giá 2,7 tỷ USD.

Tháng Tư, Zetsche lại tuyên bố kế hoạch cắt giảm 5,5 tỷ USD nhờ việc đàm phán với đại diện nghiệp đoàn giảm chi phí nhân công và số giờ lao động, đổi lại là bảo đảm về việc làm. Nhằm giúp vụ thương lượng trở nên dễ dàng, ông cũng đồng ý cắt giảm lương của chính mình và ban lãnh đạo trong năm nay.

Bây giờ, khi những vấn đề cấp thiết đã được giải quyết, ông lại bắt tay vào những chiến dịch cắt giảm chi phí sâu hơn đồng thời với làm mới dây chuyền sản xuất Mercedes.

Những người khổng lồ bắt tay nhau

Việc đầu tiên là cải tiến sản xuất nhằm tìm kiếm tính kinh tế nhờ quy mô, Zetsche cho đây là “thay đổi hết sức cơ bản” đối với tập đoàn của ông. Tác động của nó không chỉ dừng lại ở nội bộ Daimler. Những cuộc đàm phán với đối thủ BMW đạt tới thỏa thuận mua chung các bộ phận từ các nhà cung cấp nhằm tiết kiệm chi phí đã vượt xa hơn giai đoạn lý thuyết. Việc thảo luận hiện đang nhắm tới những vấn đề cụ thể và chi tiết với sự tham gia của các luật sư về chống độc quyền.

Một nhân vật nữa cần nhắc đến là giám đốc điều hành Rainer Schmueckle, người luôn bận rộn với một đống giấy tờ trên tay. Trong 3 năm gần đây, ông cùng các cộng sự đã chia nhỏ những chiếc Mercedes thành 90 bộ phận riêng biệt, và đang tính toán việc lắp ráp những bộ phận đó trên nhiều mẫu xe nhất có thể.

Thành quả đầu tiên của nghiên cứu trên là chiếc sedan E – class, sẽ được chào bán tại châu Âu trong năm nay và xuất hiện tại Mỹ trong tháng 7 này với giá khởi điểm 49 nghìn USD. Đây là mẫu xe đầu tiên sử dụng một lượng lớn bộ phận thuộc các mẫu xe trước đây. Ví dụ như dầm đỡ khoang máy lấy từ C – class.

Tuy nhiên, tất cả mới chỉ bắt đầu, chiến lược này sẽ được áp dụng triệt để khi thế hệ tiếp theo của C – class được đưa vào sản xuất 4 năm tới. Schmueckle không đưa ra con số cụ thể, nhưng chiến lược này có thể tiết kiệm tới hàng trăm triệu USD cho Mercedes.

Các chuyên gia đều nhận định đây là thời điểm để Mercedes tìm kiếm tính kinh tế cho sản xuất. Đem so sánh thì Audi và tập đoàn mẹ Volkswagen đã nhanh chân hơn trong việc tiết kiệm chi phí và tạo hiệu quả nhờ việc chia sẻ thiết kế nền. Như Audi A3 chính là mô phỏng về cơ bản của VW Golf. Hãng thứ 2 thực hiện chiến lược này là BMW. Thiết kế bên trong của BMW serie 7 và serie 5 cũng giống nhau. "Zetsche là người cuối cùng", cố vấn Schmidt nhận xét. "Mercedes rốt cuộc cũng bước theo con đường mà người ta đã đi từ lâu".

Tiến xa hơn nữa, sẽ có nhiều đặc điểm kỹ thuật của Mercedes không chỉ giống với các mẫu trong quá khứ, mà còn giống với các thiết kế của BMW. Daimler tỏ ra thận trọng khi tiết lộ những chi tiết đàm phán với BMW. Logic hết sức rõ ràng, mỗi tập đoàn đều sản xuất khoảng một triệu xe, khiến họ trở thành kình địch trong ngành công nghiệp ôtô. Cả hai đều có chung nhiều nhà cung cấp. Và cả hai đều muốn vượt khỏi giới hạn công nghệ của mình. Tuy các lãnh đạo thừa nhận sự hợp tác, nhưng họ cũng khẳng định rằng sẽ không có hành động nào làm giảm giá trị thương hiệu của mình, cũng như tạo ra điểm yếu để bên kia lợi dụng.
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên