Gắn chống đổ cho xe máy sai cách, hậu quả khôn lường!

V
Bình luận: 0Lượt xem: 1,582

VN.Biker

Tài xế O-H
Gắn chống đổ cho xe máy là cách giúp bảo vệ xe máy của bạn khi xảy ra va chạm. Dù vậy, việc gắn chống đổ cho xe máy cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khôn lường nếu gắn sai cách!


Ngã xe là chuyện mà không ai mong muốn, hậu quả của những cú ngã, ngoài chấn thương cho người lái, chiếc xe thường bị trầy xước dàn áo hoặc nặng hơn thì ảnh hưởng đến các chi tiết trên xe như tay lái, lốc máy…

Nhiều người khi mua xe về thường lắp thêm chống đổ với mong muốn giảm thiểu thiệt hại nếu xe bị ngã. Nếu lắp đúng cách, chống đổ sẽ làm đúng nhiệm vụ là bảo vệ chiếc xe khi bị ngã, tuy nhiên, nếu lắp sai cách thì chống đổ sẽ phản tác dụng, có thể gây nguy hiểm đến người lái.


Hầu như bất kỳ ai khi chạy xe đều từng một lần bị ngã xe.

Chống đổ có tác dụng bảo vệ thân xe cũng như các chi tiết khác khi xảy ra đổ. Bên cạnh việc bảo vệ xe, chống đổ còn được dùng như một vật trang trí cho xe. Về cơ bản, chống đổ xe máy có thể chia thành 2 dạng dựa theo thiết kế, loại đầu tiên là chống đổ dạng khung hay còn gọi là chống đổ đa điểm, loại thứ 2 là chống đổ gù hay còn gọi là chống đổ một điểm.

Chống đổ dạng khung – an toàn nhưng nặng nề
Chống đổ dạng khung có thiết kế với nhiều thanh thép hàn lại với nhau, được gắn vào sườn xe hoặc lốc máy bằng nhiều điểm liên kết. Kiểu thiết kế này cho phép khi xảy ra va chạm, lực sẽ được phân bổ đều ra nhiều điểm giúp triệt tiêu lực tốt hơn.


Chống đổ dạng khung cho khả năng bảo vệ tốt nhưng cồng kềnh.

Nhược điểm lớn nhất của chống đổ dạng khung là khối lượng nặng và kích thước khá to. Chống đổ dạng này thường chỉ được lắp trên môtô phân khối lớn và những xe tập luyện kỹ thuật như stunt, gymkhana…

Chống đổ gù – thiết kế bắt mắt, khả năng bảo vệ kém
Nếu chống đổ dạng khung thích hợp với những chiếc môtô phân khối lớn thì chống đổ gù lại là sự lựa chọn hàng đầu cho những chiếc xe máy phổ thông như Yamaha Exciter hay Honda Winner. Chống đổ dạng này có cấu tạo đơn giản với một thanh dài hình trụ cố định vào khung sườn hoặc lốc máy bằng ốc hoặc nẹp. Người mua có thể dễ dàng mua được loại chống đổ này ở các tiệm sửa xe.


Chống đổ gù có tác dụng trang trí hơn là bảo vệ xe.

Nhược điểm của chống đổ gù là khả năng bảo vệ kém hơn loại chống đổ dạng khung. Hơn nữa chống đổ gù chỉ chịu được những cú té ngã nhẹ, trong trường hợp va chạm mạnh có thể khiến cho chống đổ bị cong, gãy ốc… nặng hơn là khung sườn xe bị biến dạng hay lốc máy bị vỡ.

Hầu hết trên thị trường hiện nay, chống đổ gù đang được bán là loại hàng kém chất lượng với kiểu dáng và màu sắc đẹp mắt. Đa số những loại này đều có mặt tiếp xúc với đường (nếu xảy ra va chạm) là kim loại hoặc nhựa mềm, khi xảy ra va chạm bề mặt kim loại sẽ khiến xe trượt dài trên đường, còn nếu là nhựa mềm sẽ khiến xe đột ngột bám đường, có thể gây ra lật xe.


Một trong những trường hợp người lái bị chống đổ đè lên chân khi xảy ra tai nạn.

Việc lựa chọn vị trí gắn chống đổ cũng quan trọng không kém, nên lựa chọn lắp chống đổ ở những vị trí sao cho khi xe bị ngã, đổ thì chống đổ có thể thực hiện tốt vai trò của nó. Cần tránh lắp chống đổ ở những vị trí như lốc máy, gần khu vực để chân người lái… Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người lái bị thương vì chống đổ đè lên chân, lốc máy bị vỡ hay khung sườn xe bị xé ra khi gặp tai nạn.

Nhiều chuyên gia về xe thể thao đưa ra lời khuyên: đối với xe nhỏ không nên lắp chống đổ vì tác dụng chính chỉ là trang trí, hơn nữa có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc cho xe và chủ nhân. Cần tránh mua những loại chống đổ không rõ nguồn gốc được bày bán trên thị trường với giá cực rẻ, nên lựa chọn những loại chống đổ của các hãng có uy tín như R&G, Evotech, Puig… những loại này tuy có giá thành khá cao nhưng lại khả năng bảo vệ xe tốt hơn nếu xảy ra đổ, ngã.

Tham khảo các loại chống đổ chính hãng chất lượng cao từ siêu thị phụ tùng trực tuyến Webike Nhật Bản tại đây: https://shop.webike.vn/bm/top/chong-do/1317/
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên