Dung tích động cơ là gì? Hiểu đúng về số chấm trên động cơ ô tô

MyS2Love
Bình luận: 12Lượt xem: 150,387

MyS2Love

Tài xế O-H
Khi đi trên đường sau những chiếc xe, chúng ta thường thấy ở phía sau phải xe thường có những con số ví dụ như Hyundai Grand i10 1.2, Camry 2.4G, 3.5Q, BMW 320i. Bản thân chúng ta đều biết hoặc đã nghe nói đến đó chính là số chấm của động cơ. Rồi có trường hợp khi gặp một chiếc xe mới của người quen chúng ta cũng thường hay hỏi: “Xe X này của anh/chị bao nhiêu chấm vậy”.

Hoặc khi chúng ta cần tài liệu của một dòng xe nào đó, gọi cho thằng bạn hỏi nó có không thì nó hỏi lại: “Xe của mày đời bao nhiêu, động cơ bao nhiêu chấm? Vậy bản chất thực sự số chấm trên ô tô là gì? Số chấm của ô tô dưới một cái nhìn của kỹ sư được tính như thế nào? Có phải số chấm càng lớn thì xe càng mắc tiền không? Số chấm càng lớn thì xe càng mạnh không? Các bạn sẽ hiểu thật rõ và thật sâu trong bài viết này.

Dung tích xi lanh xi lanh.jpg

1. Định nghĩa về số chấm trên ô tô

Số chấm trên động cơ hay là thể tích hay dung tích công tác của động cơ hay bên ngoài thường gọi là dung tích xi lanh của động cơ (tên tiếng anh Engine Displacement) thường được tính bằng Lít (L) hay Cubic Centimeters (cc).

Lưu ý: 1 lít = 1 dm^3 = 1000 cm^3 = 1000 cc = 1000 phân khối

Đây là thể tích công tác của tổng các xi lanh trên động cơ và thường được làm tròn, ví dụ động cơ có thể tích 2276 cc sẽ được làm tròn là 2.3 lít. Số này càng lớn có nghĩa là thể tích công tác của động cơ càng lớn, động cơ sinh công nhiều hơn và dĩ nhiên càng tốn nhiều nhiên liệu hơn.
Để dễ hiểu hơn thì chúng ta cùng xem hình dưới đây

the-tich-cong-tac-dong-co.jpg

2. Công thức tính

Chúng ta có các khái niệm về thể tích động cơ như sau
- Thể tích công tác hay thể tích làm việc của xi lanh (Vh): Là thể tích giới hạn bởi thành xi lanh và các vị trí ĐCT, ĐCD của piston.

Vh = (π*D^2 /4)*S

Trong đó:
D: Là đường kính của xi lanh (mm)
S: Là hành trình của piston (mm). Hành trình của piston là khoảng cách của ĐCT và ĐCD
- Thể tích toàn bộ xi lanh (Va): Là tổng thể tích công tác (Vh) và thể tích buồng cháy (Vc) của xi lanh.
Va = Vh+Vc (centimet khối )
- Như vậy thể tích làm việc của động cơ (Ve): Là tổng thể tích công tác của các xi lanh trong động cơ
Ve = Vh*i

Trong đó
Vh: Thể tích công tác của xi lanh. i
: Số xi lanh của động cơ 3.

Ví dụ Một chiếc xe Toyota Camry đời 2008 có ký hiệu ở sau xe là 2.4G, động cơ I4.

Hãy xác định:
1. Thể tích công tác của động cơ?
2. Thể tích mỗi xy lanh của động cơ?
3. Lượng hòa khí tiêu thụ mỗi xy lanh trong 1 chu trình động cơ và ở tốc độ vòng tua 3000 vòng/phút?

Trả lời câu thứ nhất: Như đã đề cập ở trên, ký hiệu 2.4G ở sau xe là ký hiệu số chấm của động cơ hay thể tích công tác của động cơ là 2.4 Lít (thông số kỹ thuật chính xác 2362 cc)

Câu thứ hai: Thể tích công tác của mỗi xy lanh động cơ là: 2.4 /4 = 0.6 Lít

Câu thứ ba: Lượng hòa khí tiêu thụ mỗi chu trình của động cơ (tức hai vòng quay trục khuỷu) chính bằng thể tích công tác của toàn bộ động cơ và bằng 2.4 (Lít hòa khí). Có nghĩa là mỗi xy lanh sẽ tiêu thụ hết 2.4 / 4 = 0,6 (Lít hòa khí)

Và nếu động cơ đang quay với tốc độ 3000 vòng/phút thì mỗi xi lanh của động cơ sẽ tiêu thụ:
Số Lít hòa khí tiêu thụ = 0.6 lít * (3000 vòng/phút) / 2 (vòng quay) = 900 (Lít/phút)
Như vậy khi động cơ quay ở tốc độ 3000 vòng thì mỗi phút trôi qua động cơ tiêu thụ hét 900 Lít hòa khí (bao gồm cả xăng và không khí).

3. Lời kết

Trên đây chúng ta đã tìm hiểu về bản chất thật sự của số chấm trên động cơ ô tô. Có một điều mình muốn chia sẻ thêm là, số chấm càng lớn thì động cơ càng lớn và chắc chắn là sẽ tốn nhiều nhiên liệu hơn. Nhưng một động cơ có số chấm lớn chưa chắc đã mạnh hơn động cơ có số chấm nhỏ hơn bởi lẽ còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức mạnh của động cơ ví dụ: turbo tăng áp, phun nhiên liệu trực tiếp, hệ thống điều khiển cam thông minh... Điển hình là động cơ EcoBoost của Ford với 3 máy dung tích 1.0 lít nhưng lại có công suất lên đến 125 HP lớn hơn động cơ Toyota Vios 1.5 lít mà chỉ có công suất 107 HP.Do đó số chấm động cơ chỉ phản ánh về thể tích của động cơ thôi còn về công suất thì phải xét thêm nhiều yếu tố khác nữa.

Theo : Greencar​
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên